Từ gần một ngàn năm nay, Nhật Bản được xem là xứ sở của Bonsai. Trong thời gian đó, người Nhật đã đưa nghệ thuật cây thu gọn lên đến mức hoàn thiện. Họ đã tạo ra những kiểu (dáng hay “thế”) cơ bản của nghệ thuật Bonsai, xây dựng những quy tắc và đặt ra những thuật ngữ chính xác.
Tuy nhiên,nguồn gốc của nghệ thuật này không phải là ở Nhật bản. Tranh và điêu khắc cổ cho thấy kiểng thu gọn đã có ở Trung Quốc từ thời nhà Tần, thế kỷ thứ ba sau Công nguyên. Các tranh cổ của Trung quốc đời nhà Tống (960- 1280 sau CN) vẽ những cây thu gọn trong chậu để trang trí nội thất. Đó là những cây thu gọn trong chậu dùng để trang trí nội thất. Đó là những cây thu gọn thực sự trong thiên nhiên đã bị goisios, tuyết uốn nắn và đã được thu hái về trồng trong chậu, không sửa đổi bao nhiêu.
Chính nhờ những trao đổi thương mại mà Nhật bản đã khám phá ra nghệ thuật này. Sưu tập các cây kiểng thu gọn trở thành thú tiêu khiển của những quyền quý, giàu sang. Ghi nhận đầu tiên đích thực về cây kiểng Bonsai là vào thời kỳ Kamakura (1192-1333) trong đền Kasuga: hình kiểng Bonsai xuất hiện trong bức tranh Kasugagongen-gengi do Takakane Takashina vẽ năm 1309. Bức tranh cho thấy nhiều cây có dáng dấp tự nhiên trồng trong chậu và được trưng bày trên một kệ. Điều này cho thấy là Bonsai đã được trồng để thưởng thức ở thời kỳ này. Mặc dầu vẽ vào thời kỳ Kamakurra nhưng chủ yếu là minh họa đời sống trong thời kỳ Heian (794-1191), như thế có nghĩa là kiểng Bonsai có lẽ đã có trước đó khá lâu.
Nhiều tác phẩm văn chương viết trong thời kỳ Kamakura có ghi là các cây được thu hái từ thiên nhiên đem về làm kiểng Bonsai. Một vở tuồng Nô nổi tiếng tựa là Hachi-no-ki (cây trong chậu) đã đề cao loại kiểng này.
Trong thời kỳ này, phái Thiền Trung Quốc có một ảnh hưởng sâu rộng trên nghệ thuật và đời sống hàng ngày ở Nhật. Các vườn cảnh của Nhật (vốn đã được ghi nhận lần đầu tien vào thời kỳ Asuka (552-645) lúc ấy đã trở thành một phần thân thiết trong đời sống của giới quý tộc. Các đề tài tôn giáo đã gợi cảm hứng cho việc tạo vườn cảnh, và kiểng Bonsai thường được trưng bày ngoài trời và được thưởng thức như là những biểu tượng tôn giáo của thiên nhiên hơn là những loại hình nghệ thuật sống động. Đó là thời kỳ mà Bonsai có tính cách Tôn giáo và kiêu hùng.
Đến thời kỳ Muromachi (1334-1573) Thiền của Nhật tách xa dần ảnh hưởng của Trung quốc. Sắc thái hoàn toàn Nhật về mặt nghệ thuật bắt đầu hiện ra. Tư tưởng Thiền thể hiện trong kiến trúc, tạo cảnh, cắm hoa và các nghệ thuật khác. Trong thời kỳ này kiểng Bonsai nhỏ hơn và bớt hình thức hơn, thích hợp hơn với vai trò mới của nó là trưng bày trong nhà. Ở thời điểm này, tạo dáng Bonsai chưa phải là một nghệ thuật tiến bộ; xét qua các tranh vẽ thì thấy mục đích là tọa dáng và tỷ lệ hài hòa dễ nhìn mà thôi. Kiểu thông dụng lúc bấy giờ là: Tako làm bằng Thông trắng (hay Bạch Tùng:Pinus parviflora): thân cây bị vặn vẹo nhiều vòng, tạo ra nhiều tàng ở cách khoảng đều nhau và dáng chung là một hình kim thự tháp (khối tứ diện). Sau đó có những kiểng Bonsai nhỏ hơn, cũng cùng kiểu này được gọi là Horai, lấy ý từ tên núi Horai, một trong ba hòn đảo linh thiêng của Phật giáo.
Trong thời kỳ Tokugawa (1603-1867) còn gọi là thời kỳ Edo , vườn cảnh Nhật bản trở nên thịnh hành. Các kỹ thuật làm vườn và trồng kiểng, gồm cả kiểng Bonsai tiến bộ rõ rệt và đã được ghi lại trong các sách có minh họa. Chính trong thời kỳ tương đối hoà bình này mà sự nghiên cứu các cây bị gió đù và các rừng cây đẹp, kết hợp với triết lý của Phật là hòa bản ngã vào trong thiên nhiên, đã dẫn đến sự phát triển những kỹ xảo trong nghệ thuật Bonsai. Những người chuiyeen nghiệp sưu tập kiểng Bonsai xuất hiện, đi tìm những cây lùn tự nhiên, đẹp mắt ở trên các vùng núi non, các vách đá và các hải đảo hiểm trở. Kiểng Bonsai trở thành những biểu tượng cụ thể của tư tưởng Nhật, thường được sử dụng làm để tài trong hội họa, điêu khắc gỗ, trong thơ văn Haoka và waka, trong trà đạo và nghệ thuật cắm hoa. Sự trầm lặng sâu sắc và tế nhị, hình dáng và đường nét đẹp kín đáo, sự thay đổi 4 mùa.... đã được tiểu biểu trong những cây kiểng lúc này. Tuy nhiên, khi các kỹ thuật được tinh luyện hơn, thì Bonsai càng ngày càng được biết nhiều hơn, kết quả là người ta đòi hỏi những hình dáng cầu kỳ hơn và đẹp hơn. Thời kỳ Tokugawa được xem như thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Nhật bản. Tâm trạng kiêu hùng của thời kỳ quân phiệt phong kiến cũ đã chuyển thành một trào lưu nghệ thuật đặt nền tảng trên sự tế nhị, tinh vi, mềm mại và huy hoàng. Trào lưu này đã khiến cho nghệ thuật Bonsai bị ảnh hưởng lệch lạc: những cây bị méo mó, khuyết tật lại bị xem lầm là những kiểng Bonsai tốt và việc sưu tập những cây này đã trở thành một đam mê trong một giai đoạn ngắn. May thay, xu hướng này đã được sửa chữa sớm và phục hồi: kiểng Bonsai biểu lộ sự mạnh khỏe và nét đẹp tự nhiên.
Trích từ sách "Kỹ thuật Bonsai" - Lê Công Kiệt / Nguyễn Thiện Tịch